Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Không trung thực, tâm hồn sẽ mất đẹp

TT - Giải nhất cuộc thi “Học sinh - sinh viên trung thực: Được gì, mất gì?” do Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) và Đại học Hoa Sen tổ chức mới đây thuộc về một video clip dài hơn ba phút, mô tả hành trình “đen hóa” đôi bàn tay một người trẻ khởi đầu từ một gian dối nhỏ trong thi cử.
Từ trái qua: Phan Thùy An, Vũ Minh Ngọc, Hà Thu Khánh Hằng và Lâm Tuấn Anh (vắng Phạm Bảo Nhi) - Ảnh: Thuận Thắng
“Hands” (Đôi bàn tay - http://blog.transparency.org/2011/08/08/vietnamese-youth-film-anti-corruption-videos) là tiêu đề video clip lấy hình ảnh chủ đạo là đôi bàn tay, khởi đầu chỉ lem một vết đen nhỏ khi nhìn bài bạn trong khi thi, rồi dần dần những vết đen nhiều hơn khi quay cóp bài, đút lót giáo viên, mua điểm và cuối cùng trở thành một đôi tay đen kịt không thể gột rửa khi bước vào đời.
"Chúng tôi hi vọng sau khi xem clip, mỗi người trẻ đều nhìn vào bàn tay mình và đánh giá liệu tay họ có vết đen nào không, bị nhuốm đen ở mức nào, và liệu họ có thật sự muốn bước vào đời bằng đôi bàn tay đen đó hay không? "
(Thông điệp của nhóm tác giả)
Những người thực hiện video này là nhóm sinh viên đang học năm 2: Vũ Minh Ngọc (Đại học Ngân hàng), Phan Thùy An và Hà Thu Khánh Hằng (Đại học Hoa Sen), Lâm Tuấn Anh (Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) và Phạm Bảo Nhi (Raffles International College).
Cuộc thi có chủ đề về “Thách thức và giải pháp cho một nền giáo dục sạch tại Việt Nam” dành cho học sinh và sinh viên trên địa bàn TP.HCM.
Nhịp sống trẻ đã gặp và trao đổi với nhóm tác giả “Hands”.
* Cuộc thi dành cho tất cả các trường cấp III và đại học ở TP.HCM mà chỉ có 22 bài tham dự, kể cả thể loại tự luận, kịch bản, video. Các bạn có thấy đây là con số hưởng ứng ít ỏi không?
Tuấn Anh: Tôi không ngạc nhiên. Với số đó, những người tổ chức sẽ hiểu được tình hình hiện tại để có những chiến lược giúp thanh thiếu niên hiểu rõ hơn vấn đề trung thực và liêm chính trong xã hội, để mọi người có tiếng nói nhiều hơn về vấn đề này.
Minh Ngọc: Tôi không quá bất ngờ nhưng rất thất vọng. Tôi nghĩ không phải do ít người biết về chương trình, mà quan trọng hơn là giới trẻ cảm thấy tham gia chương trình chả có lợi ích gì. Họ tránh né nói đến tính trung thực hay sự liêm chính.
* Tháng 5 vừa qua, Minh Ngọc tham gia chương trình giao lưu với các thanh niên Indonesia về chủ đề tính liêm chính, chống tham nhũng ở Indonesia từ sinh viên. Có gì khác biệt giữa những người Ngọc gặp ở Việt Nam và tại Indonesia?
Minh Ngọc: Thanh niên Indonesia rất thẳng thắn về những vấn đề không minh bạch trong xã hội, giáo dục. Tôi thấy rõ các bạn thật sự tin mình có thể thay đổi xã hội. Đó là điều tôi cho rằng khá khác biệt so với giới trẻ Việt Nam. Vì nhiều thanh niên Việt Nam biết có những điều không trong sạch trong cuộc sống, song thái độ chung là chấp nhận, nguy hiểm hơn là ý nghĩ “xã hội thế thì mình cũng theo thế”.
 Ở Indonesia, sự năng động, tự tin và chủ động của thanh niên vượt trội. Họ bức xúc với tham nhũng, họ là chất xúc tác của các tổ chức nâng cao ý thức công dân. Xã hội đề cao chống tham nhũng và thanh niên được cổ động tham gia.
Ở Việt Nam, việc giáo dục ý thức cho thanh niên trong lĩnh vực này chưa cao, thiếu sự dẫn dắt, kết nối các bạn trẻ. Chúng ta đều được học đạo đức từ hồi còn bé, được dạy phải trung thực, thẳng thắn, không nói dối.
Tại sao lớn lên con người lại gian dối? Tôi nghĩ là vì giáo dục về tính trung thực chỉ được chú trọng khi chúng ta còn nhỏ và bị sao nhãng khi chúng ta trưởng thành. Tôi nghĩ dù học lên cao cũng vẫn cần giáo dục về đức tính này. Trong việc học chẳng hạn, quan trọng nhất là thanh niên phải ý thức việc học là cho mình.


* Người ta hay nói “Thật thà thường thua thiệt”. Bạn có tin vào điều đó không?
Minh Ngọc: Tôi không nghĩ vậy. Đức tính trung thực và liêm chính đem lại nhiều giá trị cho con người. Nếu không thật thà, chính tâm hồn của mình sẽ bị thoái hóa, mất niềm tin vào cuộc sống, như vậy rất có hại. Trung thực quan trọng đến mức là gốc rễ cho mọi sự thành đạt. Học thật thì mới có kiến thức thật để thành đạt.
Thùy An: Trung thực là đức tính hàng đầu. Phải trung thực thì người khác mới tôn trọng và việc mình làm mới có ích.
Thanh niên là lớp người thay đổi thế giới
Trong Ngày quốc tế thanh niên (12-8), tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova đã nhấn mạnh: thanh niên là động lực thúc đẩy thay đổi thế giới. Một tỉ thanh niên trên thế giới sẽ là “1 tỉ niềm hi vọng” về một tương lai tốt đẹp hơn và “1 tỉ ý tưởng thay đổi thế giới”.
Các phong trào của thanh niên cho thấy sức mạnh của khát vọng về quyền con người và các quyền tự do căn bản. Vì vậy, khả năng của mỗi thanh niên phải được phát triển để nguồn sức mạnh của họ hướng tới đổi mới, giải quyết các thách thức toàn cầu.
Thanh niên đã và đang thay đổi thế giới và tái tạo nền văn hóa. Họ phải có kỹ năng và công cụ để hành động nhằm tăng cường quan hệ giữa các nền văn hóa, bảo vệ các quyền con người.
Trong kỷ nguyên thay đổi và không ổn định hiện nay, thanh niên phải được tạo cơ hội để tham gia quá trình hoạch định chính sách định hình xã hội và định hướng tương lai.
KHỔNG LOAN thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tron Lesson 1 November 30th