(Dân trí)- Bộ GD-ĐT vừa đưa ra một số thông tin mới về tuyển sinh 2012. Cụ thể, sẽ bổ sung một số khối thi; các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH khối Năng khiếu - Nghệ thuật chủ động đề xuất phương án tuyển sinh. Như vậy, mùa tuyển sinh 2012 sẽ có nhiều thay đổi.
Bộ GD-ĐT đưa ra thay đổi trên nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu kiểm tra năng lực đầu vào của các ngành đào tạo, tạo sự linh hoạt trong xét tuyển của các trường và tăng cơ hội đăng ký dự thi của thí sinh. Đặc biệt, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển, trên cơ sở điểm sàn và chỉ tiêu đã xác định. Thông tin chính thức về việc mở rộng khối thi như thế nào sẽ được bàn thảo và đưa ra tại hội nghị tuyển sinh toàn quốc vào ngày 14/1/2012 tới.
Mặc dù chưa có thông tin phương án cụ thể về việc đổi mới này nhưng lãnh đạo nhiều trường đại học đã rất tán đồng với sự thay đổi này nhưng họ cũng tỏ ra khá dè dặt.
Có nhiều điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2012.
Nhiều trường mở rộng môn thi
Khi biết thông tin Bộ thay đổi tuyển sinh có thêm một số môn thi, PGS.TS Lê Hữu Lập, phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, đã hoàn toàn ủng hộ: "Chúng tôi đã chủ động mở rộng khối thi từ năm 2011. Trước đây chúng tôi tuyển khối A nhưng thấy ngành Kinh tế và Công nghệ thông tin nếu chỉ tuyển khối A không thì không hay lắm nên chúng tôi mở thêm khối D1 cho 2 ngành học này vì học ngành Công nghệ thông tin không cần môn Hóa. Cho nên nếu càng nhiều khối thi thì khả năng lựa chọn càng dễ, nhiều em đăng ký vào, chọn được nhiều thí sinh giỏi".
Ông Lập cũng cho hay, Học viện sẽ mở rộng thêm khối thi và lấy gốc là môn Toán và lựa chọn thêm các môn khác như ngoại ngữ, văn.
Đồng tình cao với đổi mới tuyển sinh của Bộ, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN dự kiến đưa ra khối mới là Toán, Lý, Ngoại ngữ cho ngành công nghệ thông tin. Trường ĐH Luật TPHCM dự kiến thi môn Toán, Lý, Ngoại ngữ hoặc Văn, Sử, Ngoại ngữ.
Dè dặt giữ ổn định phương án tuyển sinh
Là một trong những trường ĐH trọng điểm và được thực hiện tự chủ nhưng lãnh đạo ĐH Kinh tế Quốc dân cũng khá rè rặt và dự kiến sẽ không thay đổi phương án tuyển sinh trong năm 2012.
GS Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: "Tôi thấy nhiều môn thi sẽ tốt, thuận lợi hơn các trường vì sẽ tuyển được thí sinh sát với ngành đào tạo. Theo đó, các trường đương nhiên vất vả hơn vì công tác tổ chức phức tạp hơn. Nhưng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tuyển được sinh viên mình muốn tuyển chứ tuyển nhiều khối mà không tuyển được sinh viên thực sự thì cũng dở. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay ổn định về khối thi ở hệ chính quy và tăng cường chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến".
Tán thành với quan điểm trên, PGS.TS Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ Địa chất cho rằng: "Đưa nhiều môn thi thì có nhiều cách lựa chọn nhưng theo tôi, mỗi phương án thi đều có ưu điểm và nhược điểm. Hiện nay việc tổ chức thi tương đối chặt chẽ, Bộ chỉ cần thay đổi cấu trúc đề thi là ổn. Nhưng, nếu đưa nhiều môn thi thì cũng có lợi cho các trường chọn được học sinh sát với lĩnh vực đào tạo nhưng kéo theo sự phức tạp trong tổ chức thi. Do vậy, theo tôi Bộ nên thay đổi lại cấu trúc đề thi chứ không nên thay đổi môn thi".
Ông Thắng khẳng định, Trường ĐH Mỏ - Địa chất không thay đổi môn thi, tuyển sinh 2012 tiếp tục thi khối A.
Cũng ủng hộ chủ trương đổi mới tuyển sinh của bộ nhưng theo PGS.TS. Phạm Văn Điển, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, không nên tổ chức cho thí sinh thi nhiều môn. Số lượng tối đa của một khối thi hay một tổ hợp môn thi nên là 3 môn thi trong một đợt thi. Thi nhiều môn không hẳn chọn được người giỏi cho từng ngành đào tạo, trái lại có thể gây tốn kém cho xã hội - ông Điển nói.
Cũng theo ông Điển, không nhất thiết đưa môn xã hội nào đó là bắt buộc vào kỳ thi đại học. Những kiến thức cần thiết này có thể được bổ sung trong quá trình học đại học chính khóa hoặc ngoại khóa. Thật là sai lầm nếu cho rằng môn nào dễ bị sao lãng ở bậc phổ thông trung học thì bắt buộc phải thi hoặc nếu thi thì sẽ giải quyết được tình trạng sao lãng đó.
Ông Điển cho hay, theo kinh nghiệm của nhiều nước, nếu tổ chức thi tuyển sinh đại học, việc xác định môn thi cần dựa trên định hướng nghề nghiệp thì mới có ý nghĩa sàng lọc và có tác dụng đích thực. Mỗi ngành hoặc nhóm ngành đào tạo đòi hỏi thí sinh cần có nhóm kiến thức đầu vào khác nhau và nhóm kiến thức này sẽ được nhà trường đào tạo cho người học trong suốt khóa học, nên tổ hợp môn thi (hay khối thi) cũng khác nhau, tùy theo ngành đào tạo. "Để quản lý có hiệu quả hoạt động này, Bộ GD-ĐT cần đưa ra nguyên tắc xác định khối thi hoặc tổ hợp môn thi cho từng ngành hoặc nhóm ngành đào tạo, để các trường chủ động xác định" - ông Điển đề xuất.
Lo ngại có nhiều xáo trộn trong cách đổi mới tuyển sinh này, phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, GS.TSKH Vũ Minh Giang, cho biết: “Thí sinh sẽ ngại thi theo cách mới vì kết quả thi của trường sẽ không được công nhận ở các trường ĐH khác”.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Việc cải tiến tuyển sinh không làm xáo trộn bất cứ lựa chọn nào trước đó mà chỉ tăng thêm cơ hội cho thí sinh. Bộ và các trường vẫn duy trì khối thi truyền thống mà trường đã và đang tuyển sinh. Bên cạnh đó sẽ mở rộng thêm khối thi bằng cách tổ hợp các môn thi của các khối khác nhau để thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển và các trường có điều kiện chọn thí sinh vào ngành nghề phù hợp. Theo đó, những thí sinh thi khối A đợt 1 nếu chọn thêm khối C, D đợt 2 thì sẽ có thêm cơ hội thứ ba vào trường ĐH có tuyển sinh khối thi mới gồm toán, lý, văn hoặc toán, lý, ngoại ngữ thông qua việc tích hợp điểm môn văn (khối C) hoặc ngoại ngữ (khối D) với điểm môn toán và vật lý (khối A). Song với nhiều thí sinh chỉ có ý định thi khối A, lại có thêm nguyện vọng được thi vào ngành có tuyển khối thi bổ sung gồm ba môn toán, lý, ngoại ngữ hoặc toán, lý, văn tỏ ra băn khoăn vì không biết sẽ phải thi môn ngoại ngữ hoặc môn văn của khối C hoặc D theo cách nào. |
Hồng Hạnh
dantri.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét