Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

SAT- cuộc tuyển chọn sinh viên toàn cầu

Có một kỳ thi kiểm tra chất lượng đầu vào đại học mà thí sinh ở mọi nơi trên thế giới đều có thể tham gia với số lần không hạn chế. Đó là kỳ thi SAT (School Attitude Test) của Mỹ, cũng đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam (VN).
SAT - Cuoc tuyen chon sinh vien toan cau
“Cửa khẩu” đầu tiên
Ở Mỹ không có kỳ tuyển sinh vào đại học như ở VN. Thay vào đó, một trong những tiêu chí để các trường quyết định nhận học sinh vào học là điểm thi SAT. Kỳ thi do Tổ chức Kiểm định giáo dục (Educational Testing Service- ETS), một tổ chức độc lập, đứng ra chịu trách nhiệm. 
SAT được tổ chức mỗi năm 7 lần ở Mỹ và Puerto Rico, 6 lần ở nhiều nước trên thế giới, với nội dung và ngày thi như nhau. Vì vậy, học sinh có thể đăng ký dự thi vào những thời điểm thuận lợi nhất cho mình, đồng thời có thể thi nhiều lần để lấy điểm cao. Thường thường, các học sinh đăng ký dự thi SAT vào những năm cuối bậc THPT để có sẵn điểm chuẩn bị cho việc nộp đơn vào đại học. 
Những người (từ 13 tuổi trở lên) muốn tham gia thi SAT có thể đăng ký trên mạngwww.collegeboard.com (trừ 8 nước Kenya, Nigeria, Benin, Togo, Ghana, Cameroon, Ấn Độ, và Pakistan bắt buộc phải đăng ký dự thi qua đường bưu điện). Lệ phí thi- khoảng hơn 40 USD đối với thí sinh Mỹ và 60USD đối với học sinh nước ngoài mỗi kỳ, có thể thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc trả bằng séc. 
Ngoài điểm thi SAT, học sinh quốc tế muốn đến học đại học ở Mỹ còn phải có điểm xác định trình độ tiếng Anh qua kỳ thi TOEFL. Điểm sàn TOEFL do mỗi trường tự quy định, thường từ 550/677 trở lên. Khi một điểm thi SAT được mở ra, dù chỉ có một thí sinh đăng ký dự thi thì cứ ngày giờ đã định, cuộc thi vẫn được tổ chức. Kết quả thi SAT được bảo lưu 5 năm, và ngày nay, nhiều trường đại học ở Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Singapore, Thailand... sử dụng nó như một công cụ đánh giá chất lượng sinh viên. 
So với kỳ thi đại học ở VN vẫn gây ra cho bản thân thí sinh và gia đình các em bao nhiêu căng thẳng thì SAT có lẽ là một hình ảnh trái ngược. Nếu kỳ thi đại học ở VN khiến các thí sinh dễ liên tưởng đến một cuộc đấu mà phần lớn người tham gia sẽ bị loại không thương tiếc thì với SAT, các thí sinh không bao giờ thấy mình mất hết cơ hội, còn nhà tổ chức đàng hoàng thu về một khoản tiền không nhỏ từ lệ phí thi. 
Viện Giáo dục quốc tế (IIE) là nơi đầu tiên thay mặt ETS tổ chức thi SAT ở VN vào cuối năm 1999. Trước đó, người VN muốn thi SAT đều phải sang Thailand. 
Chị Hoàng Thanh Lê, cán bộ chương trình thi thuộc IIE cho biết, nếu không có tham vọng xin học bổng thì học sinh chỉ cần thi SAT I (Reasoning Test), gồm các nội dung: đọc chuyên sâu, viết luận, và toán (trong đó có cả số học, đại số, hình học và xác suất thống kê). Tuy nhiên, nếu muốn giành học bổng, học sinh gần như bắt buộc phải tham gia thêm kỳ thi SAT II (Subject Test) với tất cả 18 môn học khác nhau như văn học, lịch sử (bao gồm lịch sử Mỹ và lịch sử thế giới), toán (bao gồm Toán I và Toán II), lý, hoá, sinh, ngoại ngữ (bao gồm tiếng Trung, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hebrew hiện đại, Ý, Latin, Nhật, Hàn) để lựa chọn, thường là tuỳ theo yêu cầu của trường mà thí sinh nộp hồ sơ. Mỗi kỳ, thí sinh có thể đăng ký tham gia thi tối đa là 3 môn. 
Chị Lê cho biết, năm đầu tiên IIE tổ chức thi SAT ở VN, chỉ có khoảng 45-50 thí sinh tham gia, thi tại một điểm duy nhất ở Hà Nội. Nhưng đến năm 2005, đã có khoảng 180-200 thí sinh tham gia các kỳ thi SAT do IIE tổ chức; cộng với số thí sinh dự thi tại ba điểm thi khác của Trường quốc tế UNIS (Hà Nội), Trường quốc tế Sài Gòn, và Trường quốc tế Nam Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), số thí sinh thi SAT ở VN đã lên đến 550-600 người. 

Chưa phải “cửa khẩu” cuối cùng
SAT là "cửa khẩu" đầu tiên để đến trường đại học ở Mỹ nhưng chưa phải là "cửa khẩu" cuối cùng. Thực tế cho thấy, kết quả thi SAT không quyết định 100% việc học sinh được nhận vào đại học, nhất là với những trường có tiếng. Ngoài việc xét điểm thi SAT, các trường đại học ở Mỹ còn tính đến nhiều yếu tố khác như thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu.
Lưu Hiên, một cựu sinh viên trường Harvard đã kể lại rất sinh động việc xét tuyển hồ sơ vào đại học trong cuốn “Nhân sinh phiêu bạt” như sau: “Xét chọn vào đại học! Trời ơi! Cũng là cơn ác mộng! Một chồng hồ sơ dày, trong đó có cả giấy khen hồi cấp một, ảnh chụp tại lớp học bơi hồi cấp hai, một bài báo nhỏ được tờ báo của tiểu khu đăng, băng ghi âm buổi biểu diễn ca nhạc năm ngoái, chứng nhận làm việc công ích của viện dưỡng lão... Ngoài ra, phải trả lời đủ mọi loại câu hỏi quái dị của các trường đại học. Ví dụ như trường hợp của tôi:
Trường Harvard: " Liệt kê những cuốn sách bạn đọc trong một năm gần đây, bạn mới đọc cuốn tạp chí nào"?
Đại học Pennsylvania:
A. Nếu được ăn tối với một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hay truyền thuyết, còn sống hay đã chết, thì bạn chọn ai? Vì sao?
B. Bạn vừa viết xong cuốn tự truyện ba trăm trang, xin gửi cho chúng tôi trang 27!
Đại học Princeton:
A. Trả lời ngắn gọn những câu hỏi dưới đây (Đừng căng thẳng đến mất ngủ). Cuốn sách yêu thích nhất? Bản nhạc yêu thích nhất? Hoạt động yêu thích nhất? Bộ phim yêu thích nhất? Câu nói yêu thích nhất? Loài vật đáng yêu nhất? Giờ nào trong ngày tốt nhất? Môn học yêu thích nhất? Danh ngôn yêu thích nhất? Hay nghe tin tức nào nhất?
B. Khi bạn thích ai, bạn chú ý đến đặc điểm nào của người đó?
Đại học New York: "Có người nói trong tương lai, ai cũng có năm phút để nổi tiếng. Bạn mong muốn năm phút đó sẽ như thế nào"?
Nghe nói có trường còn gửi cho học sinh một tờ giấy trắng, trên đó đề: “Bạn thích viết gì cũng được!” hay “Hành động dũng cảm nhất bạn từng làm!”...

Chuyện về một thí sinh SAT 
Năm nay, riêng trường Hà Nội- Amsterdam đã có 13 học sinh được các trường đại học ở Mỹ cấp học bổng toàn phần cho năm học tới. Tất nhiên, các em này đều đã xuất sắc vượt qua kỳ thi SAT. Một trong số đó là em Ngô Phương Thơ, học sinh lớp 12 chuyên Anh- Trung, người được Trường đại học Mount Holyoke (Massachusette) trao học bổng toàn phần năm học 2006- 2007 trị giá gần 46.000 USD. 
Thơ cho biết, để giành được học bổng giá trị của ngôi trường nằm trong top 50 của đại học Mỹ này, trước đó, ngay từ đầu năm lớp 12, em đã tham gia đầy đủ hai kỳ thi SAT, thậm chí còn thi SAT II (với ba môn tự chọn là Toán I, Toán II, và Hóa) đến hai lần để đạt được kết quả như ý. 
So sánh giữa việc chuẩn bị cho thi SAT và thi đại học ở VN, Thơ cho rằng, có một điểm khác biệt rõ nhất là với SAT, học sinh bắt buộc phải có khả năng tự học. Hiện nay, do số học sinh VN có ý định thi SAT còn khá ít cho nên dịch vụ luyện thi gần như chưa phát triển. Ngay cả các trung tâm ngoại ngữ lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn còn cân nhắc khá nhiều việc có nên mở lớp luyện thi SAT hay không vì sợ lỗ. Bởi vậy, học sinh VN muốn tham gia thi SAT chỉ còn cách tự tìm sách vở (hiện đã khá sẵn sách luyện thi SAT do các nhà xuất bản trong nước in ấn) và tự học. Ngoài học thêm Anh văn, Thơ cho biết, cô bé không phải học thêm bất kỳ môn gì để phục vụ cho kỳ thi SAT.
Ở Mỹ có khoảng 5.000 trường đại học, bởi vậy việc nộp hồ sơ vào trường nào không hề là sự lựa chọn dễ dàng đối với những người không có khả năng tự quyết. Thơ kể, đầu năm nay, em gửi hồ sơ đến 6 trường đại học và đúng như cựu sinh viên Harvard Lưu Hiên mô tả ở trên, phần viết bài luận để trả lời câu hỏi của các trường “ngốn” thời gian của em nhiều nhất... “Các câu hỏi đều ít nhiều làm em bối rối: "Nếu được mang theo một vật đến trường thì bạn sẽ mang gì?", "Trường của chúng tôi nổi tiếng bởi sự khác biệt, vậy bạn đã làm gì để tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng của mình?", "Thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng, vậy theo bạn, điều gì ở bạn là không thay đổi?"... Bộ hồ sơ của em có khi nặng tới 200 gr” - Thơ kể. 
Thơ cũng cho rằng, việc em tích cực tham gia hoạt động ngoại khoá đã tác động không nhỏ đến quyết định trao học bổng cho em của nhà trường. Biết bơi, biết nhảy, biết võ, biết cả... đi xin tài trợ để làm dạ hội ở trường...- Thơ hoàn toàn có lý do để nghĩ như vậy. Cùng thi SAT năm nay với Thơ có 6 bạn cùng lớp nhưng chỉ có bốn bạn được các trường đại học ở Mỹ nhận, đáng lưu ý là hai bạn còn lại đều có điểm thi SAT cao hơn Thơ.
Cách đây mấy năm, Thơ đã đến hội thảo “Chuyền đuốc” (Passing of the Torch) để được các lưu học sinh trong nhóm VietAbroader hướng dẫn kỹ năng xin học bổng vào các trường đại học của Mỹ. Còn hè này, một mùa hè không vướng bận chuyện thi cử, em sẽ dành nhiều thời gian để tham gia chuẩn bị hội thảo “Truyền đuốc 2006” với tư cách là thành viên ban tổ chức, truyền kinh nghiệm lại cho những bạn có cùng nguyện vọng du học như em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tron Lesson 1 November 30th